Nan giải bài toán lựa chọn giải pháp bệnh án điện tử mới nhất hiện nay

Triển khai bệnh án điện tử là một tín hiệu tốt cho thấy sự phát triển của Việt Nam trong tiến trình số hóa. Đã có rất nhiều những bệnh viện trên cả nước đang bước đầu thí điểm triển khai hệ thống Bệnh án điện tử, mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư, hướng dẫn và hỗ trợ từ Bộ Y tế nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa đáp ứng được sự kì vọng của những người trong cuộc.

Theo Lãnh đạo của một bệnh viện tuyến cuối, việc triển khai Bệnh án Điện tử của Bộ Y tế là hướng đi đúng đắn, các bệnh viện luôn hoan nghênh và đã sớm có kế hoạch triển khai từng bước số hóa các dịch vụ. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của các bệnh viện hiện nay là làm sao để chọn lựa được một Giải pháp Bệnh án điện tử vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn Thông tư mà Bộ Y tế đã ban hành đồng thời phải thực sự mang được giá trị, lợi ích đối với người bệnh, nhân viên Y tế và bệnh viện…

Lợi ích khi triển khai Bệnh án Điên tử 4.0

Vấn đề thứ nhất là: Vướng mắc khi Bệnh án điện tử là phân hệ trong Hệ thống Quản lý bệnh viện

Việc giải thích cho vấn đề này tương đối phức tạp và cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những người rất am hiểu về Công nghệ thông tin trong lĩnh vực Y tế. Trên thị trường hiện giờ có rất nhiều giải pháp Bệnh án điện tử (EMR) và đa phần các giải pháp này đang là một phân hệ nằm trong Hệ thống quản lý Bệnh viện (HIS). Lợi thế của việc này là EMR sẽ dùng chung cơ sở dữ liệu với HIS và việc truy xuất dữ liệu sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cũng giống như EMR, HIS cũng đã là vấn đề nổi cộm trong thập kỉ trước khi có đến hàng chục đơn vị tại Việt Nam tập trung xây dựng và triển khai các Hệ thống Quản lý Bệnh viện.

Rõ ràng, trong thời đại Công nghệ đang phát triển một cách chóng mặt, những kiến trúc mà các hệ thống HIS đang áp dụng ngày càng trở nên lỗi thời. Điều này dẫn đến việc nếu triển khai EMR là một phân hệ nằm trong HIS thì EMR cũng sẽ sử dụng những công nghệ cách đây chục năm cho dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc cải tiến từ các Nhà cung cấp. Muốn thay đổi, nâng cấp, cải tiến về nguyên lý hoạt động của EMR thực sự là một bài toán rất khó đối với các đơn vị triển khai HIS khi mà mục đích ban đầu của các đơn vị này là xây dựng để vận hành hệ thống Quản lý Bệnh viện chứ không phải để sau này xây dựng thêm hệ thống Bệnh án điện tử trong khi Hệ thống HIS vẫn đang hoạt động ổn định tại viện. Tuy nhiên, theo Thông tư 54 mà Bộ Y tế ban hành vào ngày 29/12/2017, có nêu rõ EMR là 1 trong 8 tiêu chí về Ứng dụng CNTT tại cơ sở khám chữa bệnh, tách biệt hoàn toàn với HIS.

8 tiêu chí về Ứng dụng Công nghệ thông tin tại Cơ sở khám chữa bệnh

Vấn đề thứ 2 là: Không nhìn thấy giao diện tờ bệnh án cho đến khi hoàn thiện

Khi EMR là một phân hệ trong HIS, các nhân viên Y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi thói quen do chuyển từ Bệnh án giấy sang Bênh án điện tử khi không thể nhìn thấy giao diện các tờ phiếu, biểu mẫu bệnh án mà chỉ đến khi kết thúc nhập liệu xong các trường thông tin cần thiết thì mới có thể xem các tờ bệnh án dưới định dạng pdf – không có sự trực quan và quen thuộc như khi làm Bệnh án giấy.

Có thể lấy ví dụ như trong Tờ điều trị, bác sĩ nhập thông tin vào các cột Diễn biến bệnh và ra các Y lệnh; sau khi bấm kết thúc chọn xem dưới định dạng pdf thì hệ thống sẽ chèn chữ kí của bác sĩ vào trong Tờ điều trị. Phương pháp này khiến cho các Lãnh đạo bệnh viện sẽ rất khó kiểm soát và đối chứng việc thực hiện Y lệnh của các bác sĩ vì không có chức năng kí từng phần nên sẽ không có lịch sử nào lưu vết để chứng thực việc làm trên. Chức năng kí từng phần cũng là điều mà các Lãnh đạo của Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế và các giám đốc Bệnh viện trăn trở khi tham khảo các Giải pháp Bệnh án điện tử hiện có trên thị trường.

Ảnh minh họa cho thực hiện tờ điều trị.

Bên cạnh đó, khi không thể nhìn thấy Tờ phiếu bệnh án, Bệnh viện sẽ trở nên vô cùng bị động khi muốn thay đổi về quy trình, quy định hay chính nội dung trong các phiếu mẫu. Bởi việc thay đổi nổi dung hay quy trình thực hiện trên một tờ rất dễ kéo theo hệ lụy là thay đổi rất nhiều về mặt hệ thống, thậm chí thay đổi cả quy trình làm việc của hệ thống HIS – điều mà các đơn vị cung cấp phần mềm HIS không hề mong muốn. Thời gian thay đổi các phiếu, biểu mẫu cũng không thể ngày một, ngày hai mà còn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lập trình hay chi phí đi kèm. Các chức năng thiết yếu như tự động vẽ biểu đồ trong Bảng theo dõi gây mê hồi sức, Biểu đồ chuyển dạ hay các tính năng báo cáo, thống kê sẽ rất khó thực hiện vì có thể sẽ tốn rất nhiều tài nguyên hệ thống dẫn đến việc chậm, treo hệ thống HIS gây ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình hoạt động của Bệnh viện.

Vấn đề thứ 3 là: Chi phí đầu tư không hiệu quả

Có thể thấy rõ nếu EMR là một phân hệ nằm trong HIS thì chi phí thực hiện sẽ không phải là quá lớn bởi EMR có thể lấy trực tiếp Cơ sở dữ liệu có trong hệ thống HIS. Tuy nhiên, trường hợp Ban Lãnh đạo Bệnh viện A đang triển khai Hệ thống HIS B nhưng lại muốn triển khai Hệ thống EMR C thì chỉ có phương án là thay thế hệ thống HIS B bằng hệ thống HIS C. Trong khi, để có thể triển khai một hệ thống HIS mới cần ít nhất là từ 6-24 tháng tùy vào quy mô của Bệnh viện và chi phí để thực hiện cho việc thay thế trên là không hề nhỏ, chưa kể đến chi phí dành cho hệ thống EMR và cơ sở hạ tầng phần cứng triển khai; nhưng nếu triển khai hệ thống EMR B thì Lãnh đạo Bệnh viện lại không hài lòng với sản phẩm. Do đó, rất nhiều bệnh viện để thời điểm hiện tại vẫn phân vân không biết xử lý và lựa chọn theo phương án nào – thay HIS hoặc không triển khai EMR.

Trên đây là một số những nội dung lý giải cho sự khó khăn trong việc triển khai Bệnh án điện tử tại các Cơ sở khám chữa bệnh. Vậy liệu còn có những yếu tố mà các Bệnh viện cần cân nhắc trong quá trình chọn lựa giải pháp Bệnh án điện tử phù hợp hay không, hãy cùng đón đọc trong các kỳ tiếp theo.

Danh mục tin tức

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn